Dùng hộp nhựa đựng cơm, cháo… để hâm nóng trực tiếp trong lò vi sóng là thói quen của nhiều người. Bởi vì chúng tiện lợi, giá rẻ mà còn có thể làm nóng thức ăn nhanh chóng, cho bữa ăn ngon miệng hơn.
Thế nhưng không phải hộp bằng nhựa nào cũng sử dụng được trong lò vi sóng. Nếu dùng sai, khả năng nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Vậy đâu là loại hộp nhựa có thể dùng trong lò vi sóng và lò nướng? Đọc ngay để có chọn lựa an toàn bạn nhé!
1. Loại nhựa nào dùng được trong lò vi sóng?
Lò vi sóng hay lò nướng đều là thiết bị bếp với chức năng chính là làm chín thức ăn bằng nhiệt tỏa ra. Vì vậy không phải tất cả các loại chất liệu nhựa làm bao bì đựng nào cũng đều có thể chịu được sức nhiệt này.
Bởi lẽ, hộp đựng được làm từ chất liệu nhựa khác nhau thì cho những đặc tính khác nhau, nhất là về khả năng chịu nhiệt. Hơn nữa, mỗi loại nhựa lại chứa những chất hóa học có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe của con người theo các cấp độ khác nhau.
Cụ thể, trong số tất cả các loại nhựa kí hiệu từ số 1 đến số 7 thì chỉ có nhựa số 5 là dùng được trong lò vi sóng. Đây là nhựa PP, viết tắt là Polypropylen, là loại nhựa chuyên dùng để làm bao bì đựng thực phẩm nhờ sở hữu nhiều ưu điểm khác biệt sau:
- Độ bền cơ học cao, cứng vững và không bị kéo giãn dài.
- Trong suốt, không màu, độ bóng bề mặt cao.
- PP không vị, không mùi, không độc hại.
- Chịu được nhiệt độ cao lên tới 130 độ C, có thể tái sử dụng.
- Tính chống thấm O2, hơi nước, dầu mỡ và các khí khác cực tốt.
Chính vì vậy, các loại hộp đựng làm từ nhựa PP được khuyến khích sử dụng để đựng thực phẩm vì chúng an toàn, không độc hại. Với khả năng chịu nhiệt tốt nên bạn yên tâm sử dụng hộp PP để đặt trực tiếp và hâm nóng trong lò vi sóng.
2. Cách nhận diện hộp nhựa dùng được trong lò vi sóng
Thực tế không phải ai cũng nắm được cách nhận biết đâu là hộp nhựa dùng được trong lò vi sóng. Nhất là khi thị trường xuất hiện quá nhiều dòng sản phẩm với mẫu mã, chất lượng khác nhau khiến người dùng càng hoang mang.
Vậy làm thế nào phân biệt dòng sản phẩm dùng được trong lò vi sóng để sử dụng? Note ngay 2 cách cơ bản này nhé!
2.1 Dựa vào nhãn sản phẩm
Gợi ý đầu tiên để bạn nhận diện hộp nhựa có thể dùng trong lò vi sóng và lò nướng chính là dựa vào các kí hiệu in ấn bên ngoài. Tất cả các nhà sản xuất khi gia công hộp đựng đều in ấn các kí hiệu cơ bản để giúp người tiêu dùng sử dụng đúng cách.
Cụ thể, nếu trên hộp có nhãn “an toàn cho lò vi sóng” hoặc được ghi dưới dạng “microwavable”, “microwave-safe”, “Suitable for use in microwave ovens” thì có nghĩa là chúng dùng được trong lò vi sóng hoặc lò nướng.
Những sản phẩm có dãn nhãn này thường được cấu tạo bởi các chất dẻo an toàn, không bị nhiễm các chất hóa học và không tan vào thức ăn, nhất là dưới tác động của môi trường nhiệt độ cao. Bạn có thể đặt trực tiếp để hâm nóng và thưởng thức bữa ăn.
2.2 Phân biệt qua các kí hiệu nhựa
Như đã nói ở phần đầu, các sản phẩm hộp nhựa đều được kí hiệu theo số từ 1 đến 7 và được bao quanh bởi hình mũi tên tam giác. Mỗi con số này đại diện cho từng chất liệu nhựa với mức độ an toàn khác nhau.
Thông qua những con số này, người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm mình sử dụng là loại nhựa gì, dùng cho mục đích gì và có thể dùng trong lò vi sóng và lò nướng được không. Cụ thể như sau:
- Kí hiệu số 1: Nhựa PET hay PETE. Đây là loại nhựa khá an toàn ở điều kiện thường. Nhưng nếu sử dụng ở nhiệt độ cao thì sẽ có nguy cơ làm hòa tan các kim loại nặng và hóa chất cấu tạo nên chúng.
- Kí hiệu số 2: Nhựa HDPE hay HDP. Loại nhựa này không thải ra chất độc hại nào cả, được đánh giá là an toàn và thích hợp làm các bình đựng sữa, chất tẩy rửa, dầu ăn, đồ chơi trẻ em.
- Kí hiệu số 3: PVC hay 3V. Vật liệu nhựa này có chứa hóa chất độc hại như BPA làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng khi ở nhiệt độ cao trên 81 độ C.
- Kí hiệu số 4: Nhựa LDPE. Thuộc chất nhựa nhiệt dẻo mật độ thấp, không thể sử dụng trong lò vi sóng vì sẽ giải phóng hóa chất độc gây hại sức khỏe.
- Kí hiệu số 5: Nhựa PP. Chất nhựa này bền và nhẹ, chịu được nhiệt độ cao tới 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng và lò nướng.
- Kí hiệu số 6: Nhựa PS. Là loại nhựa rẻ và nhẹ, ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng chất độc hại.
- Kí hiệu số 7: PC hoặc không có kí hiệu: Đây là dòng nhựa tổng hợp, được tạo ra từ nhiều chất dẻo, cực độc hại vì có thể chứa chất BPA gây bệnh ung thư.
Có thể nhận thấy, trong các loại nhựa trên thì nhựa PET, HDP và PP là an toàn để đựng thực phẩm. Tuy nhiên, duy nhất nhựa PP với khả năng chịu nhiệt độ cao mới có thể dùng được trong lò vi sóng mà không gây hại sức khỏe.
Bên cạnh đó, với các sản phẩm có kí hiệu số 3, 7 hoặc 6 dưới đáy hoặc trên nắp hộp thì bạn tuyệt đối không nên cho vào sử dụng trong lò vi sóng hoặc lò nướng.
Bởi vì các loại nhựa này chứa BPA và dẫn chất phthalate. Dưới tác động của nhiệt độ cao, các chất này giải phóng và thôi nhiễm sang thức ăn gây hại tới sức khỏe thần kinh và sinh sản của con người.
3. Mẹo sử dụng hộp nhựa thực phẩm an toàn trong lò vi sóng
Mặc dù bạn đã chọn đúng loại hộp nhựa có thể dùng trong lò vi sóng nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì chúng vẫn gây hại sức khỏe như thường. Do đó, để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn hãy chú ý các điều sau:
Thứ nhất, tháo rời nắp khi hâm nóng. Bạn nên tháo rời nắp khi dùng trong lò vi sóng để tránh trường hợp loại nắp sử dụng cùng hộp đựng là chất liệu khác, có thể chảy nhựa và thôi nhiễm độc sang thức ăn.
Chưa kể đến có một số loại thức ăn, khi đậy kín hâm nóng rất dễ làm áp suất tăng khi nhiệt độ tăng và có thể gây hiện tượng phát nổ. Tốt hơn là chỉ nên dùng hộp đựng nắp đậy chặt khi làm nóng các món ăn khô, ít nước.
Bạn cũng cần chú ý những thực phẩm nhiều dầu mỡ, bỏ vào lò vi sóng, nhiệt độ sôi cao sẽ gây biến dạng đồ đựng nhựa. Nếu sử dụng nắp, hãy chọn thiết kế có lỗ thoát hơi hoặc đậy hở nắp để có hiệu quả nhất nhé!
Thứ hai, chỉ hâm nóng trong thời gian ngắn khoảng 2 – 3 phút. Mặc dù các loại hộp đựng đã được dãn nhãn an toàn trong lò vi sóng thì bạn cũng chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Vì để lâu, nhựa tốt cũng sẽ biến dạng, nếu mua phải các đồ kém chất lượng còn sẽ thải ra độc tố.
Hơn nữa, bạn cũng không nên đựng thức ăn trong các hộp bằng nhựa ở thời gian quá dài. Tốt hơn hết là dùng ngay hoặc đổ thức ăn ra liền sau khi hâm nóng chúng.
Cuối cùng, không nên sử dụng những chiếc hộp bằng nhựa kém chất lượng, màu sắc rực rỡ. Vì chúng có thể được làm từ nhựa tái chế, chứa chất hóa dẻo, phụ gia độc hại sẽ bị thôi nhiễm vào thức ăn gây ra nhiều nguy hiểm.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên tìm mua hộp nhựa đựng thực phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, các dòng sản phẩm đựng thực phẩm cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn ISO 9001 và HACCP.